duhuynh.com

435e91211931ca6f9320

HIỂU MÌNH, HIỂU NGƯỜI

Từ nhỏ, chúng ta thường được dạy về “cách làm người”, về “đạo đức”, cách “kính trên nhường dưới”,…và rất rất nhiều những nguyên tắc khác cần phải học để trở thành một con người đúng mực và cần có. Vì những người lớn mình, ông bà, cha mẹ, cô chú, thầy cô,…trong thế giới của mình lúc đó đa phần vẫn còn ảnh hưởng phần nào của giáo dục của phong kiến, của đạo Khổng, mọi thứ trở thành chuẩn mực, ít có giải thích hay lý giải cụ thể nào, trên nói dưới nghe, nếu có phản biện, hay thắc mắc ngược lại thành trở thành “không nghe lời”.

Và mình cũng từng nghe, qua lời các cụ lão, hay các bộ phim đánh trận câu mà chúng ta hay nghe thế này: “Biết mình, biết ta, trăm trận trăm thắng” (sau này mới biết nó nằm trong “Binh Pháp Tôn Tử”), và cũng có câu “Biết mình, biết ta, trăm trận không nguy”. Cái “biết mình, biết ta” đó đa phần là hiểu theo hướng vĩ mô bên ngoài, ở các thế trận, có thể sau này là ở thương trường, xã hội,…

Những gì mà mình nói phía trên cũng chỉ là những mảnh ghép rời rạc của một bức tranh tổng thể, vô cùng rộng lớn, mà lúc nhỏ, thậm chí bây giờ ít ai nói tới. Đó là TRIẾT HỌC. Chúng ta nói tới đạo Khổng, đạo Giáo, hay đạo Phật, sau này phần lớn chúng ta được học về Triết học Mác- Lenin, thì tất cả đó là những mảnh ghép của cả một bức tranh về Triết học. 

Triết học cũng chính là thứ mà những người chúng ta có thể bị thiếu, thậm chí là thiếu nhất, đó là không phải là lỗi của chúng ta, mà là cách tiếp nhận câu chuyện này của cả xã hội chúng ta đều như vậy. Mình nghĩ nó là thứ vô cùng quan trọng đối với sự có mặt của chúng ta ở cuộc đời này, thậm chí phải được quan tâm từ còn rất nhỏ. Bởi “triết học là khoa học của mọi khoa học”, nó cũng chẳng phải là thứ to tát, nghe đến phải sợ hãi, rối não, thứ trên trời dưới đất, mà là những gì đang diễn ra trong cuộc sống này, những thứ diễn ra xung quanh ta. 

Bản thân mình không phải là một người tìm hiểu sâu về triết học, nhưng mình có thói quen nhìn sâu về bản chất, đặt câu hỏi tại sao và rút ra những quy luật mà mình quan sát được. Đôi khi mình tự gọi đó là triết học tự vấn. Bởi tất cả những gì mà bản thân mình tiếp xúc, những người mình gặp, những chuyện xảy ra với mình đều cho mình những bài học từ đó trở thành nền tảng để mình bước tiếp. Nếu không có tư duy triết học, chúng ta sẽ mãi chạy theo những định kiến, những lý luận, những ý kiến từ người khác, thiếu tính phản biện, từ đó cổ suý theo hướng này, hay hướng kia mà không phải là hướng đi của chính mình.

Con đường khởi nghiệp cho mình nhiều bài học cuộc sống quý giá, bởi mình nhận ra, cuộc sống là những chuỗi ngày trải nghiệm quý báu, nó không bao giờ ngừng nghỉ, như cách mình phát triển một dự án, sẽ có những lúc khó khăn, lúc thành công, nhưng cái cuối cùng mà bạn hướng tới là “cho đi” những giá trị cho xã hội, như cách mà vẫn hàng ngày hít thở khí O2 miễn phí, đón nhận ánh mặt trời miễn phí, chúng ta tiếp nhận và chuyển hoá thành những vật chất hay thứ gì đó. Nhìn sâu vào bản chất và quy luật sẽ giúp bản thân mình nhận ra “nên” hay “không nên” điều gì đó, bởi khi không đúng, mọi sự sẽ diễn ra không như ý, sẽ dạy cho ta bài học gì đó.

Hành trình này là hành trình để giúp bản thân mình “hiểu mình” để biết mình có thế mạnh cốt lõi gì để phát huy, “hiểu người” để biết mình cần giúp họ đều gì, tạo giá trị như thế nào, từ đó họ tiếp tục “tái” giúp đỡ để bạn tiếp tục hành trình tạo giá trị này. Khi vòng tròn tương hỗ không diễn ra thuận lợi, nghĩa là chúng ta cần xem xét lại chúng ta có thực sự đang làm tốt và làm đúng, làm thực không.

Vậy đó, trước khi bắt đầu làm gì đó, bạn không cần quá mệt mỏi chạy đôn chạy đáo đi tìm bên ngoài, mà trước hết phải hiểu chính mình. Và quá trình này đòi hỏi một thời gian dài, trước đó rất lâu, chứ không phải chuẩn bị bắt đầu rồi mới đi hiểu mình. Nhưng nếu chưa biết, chưa hiểu có thể bắt đầu, chưa bao giờ là muộn để bắt đầu cả. Đó chính là triết học đó, thứ mà những người trẻ chúng ta vốn bị thiếu rất nhiều.

Những thời điểm bắt đầu chọn trường, chọn nghề, mình lại đọc rất nhiều chia sẻ về “hoang mang tuổi 17” bởi họ không biết chọn gì cho bản thân, mà đa phần sẽ đi nghe “tư vấn” rồi lại mất một khoảng thời gian dài chìm vào khủng hoảng tuổi đôi mươi. Thật có vẻ thật tệ đúng không? 

Đáng ra từ còn thuở thiếu thời, mỗi chúng ta đã nhận dạng những cốt lõi của cá nhân, và trui rèn từ đó. 

Hôm nay bắt đầu chưa bao giờ là muộn. Quá trình tự vấn nên diễn ra hàng ngày, học hỏi không ngừng, thông qua những việc rất đơn giản như đọc sách, viết, đi, học từ người khác, thiện nguyện,… bởi càng nhiều trải nghiệm, chúng ta sẽ nhận ra mình trong những việc đó, sự gột rửa mỗi ngày sẽ giúp ta hiểu “mình là ai”.

Mỗi bản thể khi tìm ra lẽ sống của chính mình (hiểu mình), tự khắc sẽ có hệ triết học riêng của cá nhân mình, có hiểu mình, thì hiểu người mới dễ dàng hơn.

Chủ đề khác