duhuynh.com

e61d312a0c1cdf42860d

SÁU NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CHÚNG TA

Trong chuyến đi Thái Lan hồi tháng 4 năm nay, có hai trải nghiệm đối với mình là đáng nhớ nhất: sống ở chùa và đi khuất thực. Thực tế là mình tham gia một khóa học ngắn hạn về sức khỏe và dinh dưỡng, ngôi chùa cũng là một trung tâm thiền, nằm cạnh bên một trung tâm nông nghiệp tự nhiên, sư trụ trì cũng là một trong hai người sáng lập nên trung tâm nông nghiệp thực hành triết lý kinh tế vừa đủ. Đối với người dân Thái Lan, phần lớn dân số theo đạo Phật, nên nhà sư ở Thái Lan là tầng lớp rất được coi trọng trong xã hội họ, nên những phong trào kiến tạo ở quốc gia này thường gắn liền với chùa, các nhà sư.

Nhóm các bạn trong khóa học ở Thái Lan tại trung tâm Mab Ueang

Sáng hôm đó, tôi cùng các bạn trong khóa học được sắp xếp trải nghiệm cùng các sư thầy đí khuất thực ở khu chợ trong khu vực. Thực tế, ở Việt Nam những cảnh đi khuất thực cũng không phải khó gặp, nhất là đi các tỉnh mà Phật giáo Nam Tông phát triển mạnh, nhưng lần này lại khác, khuất thực ở Thái Lan trở thành một nét văn hóa truyền thống của xã hội, hòa vào cuộc sống của người dân. Nhiều người nói “nếu Thái Lan không còn Phật giáo, thì Thái Lan không còn là Thái Lan nữa” là vì vậy.

Hòa theo đoàn, các sư thầy dẫn đầu, nhận các thức ăn, hoa, nước, những thứ khác mà người dân kinh dâng, khi đoàn đi ngang, những món ăn sẽ được chuẩn bị sẵn được mang ra, họ để dép ra ngoài và dâng cho cho các sư thầy, tùy vào số lượng thức ăn muốn là các sư thầy sẽ đi lâu hơn. Thức ăn và những thứ khác, sau khi để một phần ở chùa thì phần còn lại sẽ được chuyển đến các trung tâm từ thiện, bệnh viện, như một cách để “chia sẻ tiếp nối”. Khuất thực như một hình thức, mà thông qua các sư thầy, để chia sẻ lại những gì mình có cho những người cần.

Sau khi về chùa, chúng mình sẽ bắt đầu nghi lễ dâng thức ăn cho các thầy, từng người từng người một, sau đó tất cả đều bắt đầu ăn trong sự im lặng. Đó là câu chuyện diễn ra mỗi ngày trong chùa, nhưng với nhóm học chúng mình chỉ tham gia vào ngày duy nhất hôm đó, thực tế bạn vẫn có thể xin phép đi cùng mỗi ngày nếu muốn vì các sư luôn hoan hỉ điều đó.

Sau buổi ăn, mọi thứ đã dọn dẹp gọn gàng, sư trụ trì bắt đầu có buổi chia sẻ với cả nhóm về Triết lý kinh tế vừa đủ. Mình cũng đang ngóng chờ những chia sẻ rõ ràng hơn từ những người trong cuộc, tuy nhiên tất cả mọi thứ chỉ gói gọn trong 6 ý về nhu cầu cơ bản của con người và tại sao lại bắt đầu với Khok Nong Na, chỉ có vậy.
Nhưng 6 ý đó, sư nói đó chính là 6 nhu cầu cơ bản của con người chúng ta, hãy xuất phát từ nó để có một đời sống tối giản và hiệu quả hơn, trước các biến động của toàn cầu hóa.

Đầu tiên, KHÔNG KHÍ
Kế đến, NƯỚC
Kế đến, THỰC PHẨM
Kế đến, CHỖ Ở
Kế đến, QUẦN ÁO
Cuối cùng là THẢO MỘC.

Chỉ sáu thứ đó thôi, sẽ giúp con người tồn tại trên cõi đời này rồi.

Tất cả những thứ trên từ đâu mà có? Sư bảo, đó chính là “Rừng”. Vì vậy mô hình nông nghiệp Khok Nong Na dựa trên sự tái tạo “rừng”, tận dụng hiệu quả tối đa của sự đa dạng hệ sinh thái rừng. Cũng có thể cung ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản của con người.

Thứ tự trên cũng chính là thứ tự quan trọng đối với con người chúng ta. Nếu không có không khí, chúng ta sẽ chết đi rất nhanh, lần lượt như thế.

Không khí là thứ chúng ta được nhận miễn phí. Tuy nhiên, ngày nay không khí đã trở nên dần ô nhiễm, đặc biệt ở những vùng đô thi công nghiệp.

Nước. Ngày trước, bạn có thể vô tư sử dụng từ sông, ao, hồ, tuy nhiên ngày nay không chỉ đơn giản có thế, bởi chúng cũng đã bị ô nhiễm nặng bởi nhiều nguyên nhân, có chăng một vùng có thể sử dụng được nguồn nước ngầm, còn lại muốn có nước sạch đều phải mua.

Thực phẩm. Bạn biết rồi đấy, ngày nay chúng ta đang vật lộn với thứ này rất nhiều, phải tìm nơi có thực phẩm an toàn để mua, luôn trong tình trạng luôn lắng về nguồn gốc và chất lượng. Hệ quả của việc ăn uống không đảm bảo chất lượng là những căn bệnh thời đại ngày càng phổ biến.

Chúng ta sẽ không bàn nhiều về ăn mặc và chỗ ở, nhưng cần quan tâm tới “thảo mộc”, bởi nó chính là thứ giúp con người có thể sống hài hoà với điều kiện tự nhiên bản địa ở nơi đó. Có người bảo rằng: “Đến nơi đâu, hãy ăn thực phẩm và thảo mộc ở nơi đó, bởi chính điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đó đã sản sinh ra những loài bản địa, việc sử dụng chúng giúp cơ thể có thể thích nghi ở điều kiện ở nơi ấy”.

Nếu chúng ta biết và hiểu về nhu cầu thực sự cơ bản, chúng ta sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp về câu chuyện thu chi, rộng ra là tài chính, bởi chúng ta không cần chi quá nhiều thì chuyện áp lực về thu sẽ giảm đáng kể, bởi chúng ta “có nhu cầu” chi quá lớn, nên bắt đầu dần trở thành “một cái máy” để cào bới, thay vì sống một đời sống đa dạng, nhiều trải nghiệm hơn. Và chính văn hoá tiêu dùng ngày nay đã ảnh hưởng phần nào đến thói quen và tiềm thức chi tiêu của chúng ta, bởi nếu không chi tiêu, ai cũng sống tối giản, nền kinh tế tiêu dùng sẽ chết. Nếu chúng ta biết đủ, nghĩa là những gì gọi là xa xỉ sẽ bắt đầu dần lụi tàn, con người bắt đầu quay về với những giá trị chân thật hơn.

Chủ đề khác