duhuynh.com

3add2ff541c2929ccbd3

ĐÔI CHÚT VỀ MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG ‘KHOK NONG NA’ Ở THÁI LAN

Mình từng được biết về cái tên “Khok Nong Na”, tuy nhiên chỉ biết tới và hình ảnh về mô hình.

Chuyến đi Thái Lan vừa rồi thật may mắn cho mình vì đã gặp tận mắt ngoài đời thực mà ở đó những người tiên phong họ đã làm như thế nào, nó đã khiến cho mình nghĩ rất nhiều về “Khok Nong Na”, và điều gì có thể hiện thực ở Việt Nam.

Một góc của trung tâm nông nghiệp (khu vực trồng lúa)

Hôm nay, mình sẽ nói sơ về mô hình này, qua một số ghi chép, quan sát và cả tìm hiểu.

Nhưng trước hết phải nhắc tới “Triết lý kinh tế vừa đủ – SEP” (Sufficiency Economy Philosophy). Triết lý này được khởi xướng bởi nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của văn hóa Thái Lan dựa trên sự điều độ, thận trọng và tự miễn dịch (thực sự chính văn hóa Phật Giáo của quốc gia này đã tạo nền tảng rất lớn), nó nhấn mạnh khả năng thích ứng của một người trong điều kiện tối thiểu và giảm sự phụ thuộc vào ngoại cảnh bên ngoài, cả những biến động toàn cầu hóa, thị trường, biến đổi khí hậu, tăng cường kiểm soát được sản xuất và sản lượng.

Mô hình Khok Nong Na được xuất phát từ ‘Triết lý kinh tế vừa đủ’ nhằm tối đa hóa việc sử dụng đất và giữ nước cho sản xuất nông nghiệp, do đó việc thiết kế tổng quan ban đầu của mô hình này rất quan trọng.

Khok Nong Na là sự kết hợp của ba từ tiếng Thái:

  • Khok (một đồi nhỏ, hay sườn núi nhỏ),  được tạo ra từ việc đào đất từ dưới đầm lên, dùng để trồng cây, rau củ quả, thảo mộc, nơi ở của nông dân, giống như một khu vườn rừng tích hợp.
  • Nong (Mương nước, đập nước), được đào quanh khu đất trồng cây, vừa để lưu trữ nước, cung cấp độ ẩm quanh năm, các hồ nước trong mô hình đều được thông với nhau qua các rãnh nước, đường ống, nhằm tập trung nước vào các hồ nước, tránh thất thoát nước ra bên ngoài khu vườn, độ sâu vừa đủ, tuy nhiên vẫn có những hố rất sâu, nhằm dẫn nước tới những mạch nước ngầm bên dưới.
  • Na (Cánh đồng lúa), nơi trồng cây lương thực, ở đây là cây lúa, canh tác không hóa chất, cung ứng lương thực chính cho gia đình (diện tích có thể tính toán

Tổng thể diện tích được thiết kế theo tỷ lê: 30% nước, 30% ruộng, 30% vườn, 10% chỗ ở.

Mô hình tổng thể của ‘Khok Nong Na’ (Đồi – Ao – Ruộng)

Mục đích tổng thể của mô hình này là đảm bảo an ninh lương thực và kinh tế cho các hộ nông dân (chính xác là các đơn vị yếu thế, nhỏ trong xã hội), quan đó đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống thực phẩm của quốc gia. Mô hình này có thể áp dụng thực tế ở đa dạng các địa hình, từ các vùng nông nghiệp có bậc thang dốc ở phía Bắc, đến các địa hình mưa nhiều ở phía Nam.

Dựa trên di sản của cha mình, Vua Maha Vajirusongkorn Phra Vajiraklaochaoyuhua đã hướng dẫn người dân Thái Lan áp dụng mô hình Khok Nong Na để đảm bảo rằng khả năng phục hồi của hệ thống lương thực quốc gia.

Trung tâm nông nghiệp tự nhiên Mab Ueang, được thành lập cách nay hơn 30 năm, nơi mình may mắn được ghé thăm trong chuyến đi vừa rồi (hy vọng sẽ quay lại để nghiên cứu sâu hơn về Khok Nong Na) là nơi khởi điểm cho mô hình nông nghiệp bền vững này, được khởi xướng ở Dr. Wiwat Salyakamthorn (Ajarn Yak) (Chủ tịch Hiệp hội đất thế giới và nguyên thứ trưởng bộ nông nghiệp và hợp tác xã của Thái Lan),  nhà sư Phra Sangkom Thanapanyo Khunsiri. Trung tâm thực ra là một nông trại nghiên cứu, giáo dục về nông nghiệp bền vững dành cho những ai quan tâm về Khok Nong Na nói riêng và nông nghiệp bền vững ở Thái Lan nói chung, họ thường xuyên đào tạo nông dân, học sinh, sinh viên về mô hình này, ở đó có rất nhiều mô hình thử nghiệm khác nhau, lẫn những bài tập thực tế của các sinh viên đến du học và thực tập, các kiểu nhà đất kết nối với tự nhiên. (Sẽ nói sau về trung tâm rất đặc biệt này). 

Cổng vào Trung tâm nông nghiệp Mab Eaung

Có lẽ, Khok Nong Na là một mô hình đáng để lưu tâm và học hỏi, khả năng ứng dụng tại Việt Nam bởi Thái Lan là quốc gia có điều kiện nông nghiệp rất gần gũi với chúng ta.

Qua những chia sẻ thì những nông dân Thái Lan đang áp dụng mô hình Khok Nong Na này đã sống tốt trong 2 năm đại dịch vừa qua (đó là cái nhìn xa của người phát kiến), sắp tới đây là những biến động của kinh tế thế giới, và cả biến đổi khí hậu toàn cầu, nông dân là những người yếu thế, dễ tổn thương nhất trước những biến động đó.

Bạn cứ search “Khok Nong Na” hoặc bằng tiếng Thái là / โคกหนองนา / thì có rất nhiều hình ảnh và bài viết về mô hình này, các câu chuyện thú vị nữa. Sử dụng công cụ Google Translate để đọc tiếng Thái nếu thích, sẽ đa dạng hơn. Mình khi biết tới Khok Nong Na rồi, search tiếng Việt thấy ít lắm (chính xác là không có, theo như mình search nhen). Hy vọng kiến thức này hữu ích cho những ai đang theo đuổi “Nông nghiệp bền vững”, nhớ đừng máy móc bê y chang, hay so sánh mô hình này mô hình kia, nào thấy hay thì học thôi. Quan trọng là khả năng ứng dụng thực tế, có hiệu quả và phù hợp với định hướng cá nhân.

Chủ đề khác