duhuynh.com

hành trình đi tìm chính mình

HÀNH TRÌNH “ĐI TÌM CHÍNH MÌNH”

Có bao giờ bạn tự hỏi: “Mình là ai? Mình sinh ra cõi đời này để làm gì?”

Mình nghĩ đây là một chủ đề triết học khó, vì thật khó để có câu trả lời chính xác về chính bản thân mình, khi mà sự biến chuyển và đa góc nhìn đã làm cho chúng ta dường như rất khó để xác định đúng. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta lại nản chí để tìm đến chúng.

Nhiều lúc mình nghĩ, nếu mình sớm có những tri thức để trả lời cho câu hỏi lớn này thì bây giờ đây mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, không chỉ mình và rất nhiều bạn trẻ khác. Bởi sự vận hành của xã hội hiện có hướng ngoại quá nhiều, người ta dần bỏ qua những gì thuộc về bên trong, những lúc giông bão của cuộc đời đi qua, chúng có thể quật ngã chúng ta lúc nào cũng chẳng hay biết.

Chính tôi, một người luôn khao khát hiểu về bản thân và cách mà thế giới đang vận hành, tôi thường xuyên truy vấn bản thân mình, dù ít dù nhiều về chủ đề trên.

Do vậy, hành trình đi tìm chính mình trở nên thú vị hơn bao giờ hết.


1. Bắt đầu từ một mầm sống

Tôi may mắn được đón hai bé nhóc chào đời, chúng lớn lên từng ngày bên cha mẹ và người thân. Có lẽ hành trình đi tìm chính mình sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng những đứa con bé bỏng của mình.

Chúng lớn lên từng ngày, quan sát chúng mỗi ngày, lúc đó chính tôi bởi dần hiểu hơn về quá khứ tuổi nhỏ của mình ra sao, vì thật ra tới giờ này, kí ức về tuổi thơ đã quên đi rất nhiều, chỉ nhớ về những gì ấn tượng nhất, tươi đẹp có, buồn bã có. Nhưng thời gian bên con cũng chính là lúc tôi được sống với tuổi thơ của mình.

Lúc đó tôi dần hiểu ra, tại sao mình hiện tại thế này, có tính cách thế này, cách ứng xử thế kia, tất cả đều được hình thành từ những gì diễn ra trong quá khứ.

Mình và con chơi cát ở bãi biển

Lúc trước tôi hay nghe ông bà nội mình nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”. Nghĩa là hình hài thì do cha mẹ mang lại, chứ còn tính tình thì do ông trời cho. Bởi người ta cũng không thể biết chắc tính cách ấy từ đâu mà ra, do đâu mà có, thì cứ đổ thừa cho ông trời thế thôi. Nhưng thật ra không phải vậy, bởi để xác định được bản ngã của một con người chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều biến số, dù ta có thống kê lại thì cũng không hết được, nhưng vẫn có thể nói ra một vài biến số 

ảnh hưởng đến một mầm sống đến khi là một hình hài của một đứa bé hoàn chỉnh như: gene của cha mẹ, năng lượng và tính cách của người mẹ lúc mang thai, môi trường tiếp xúc, thậm chí cả những gì chúng được “ăn”,… Những điều đó tạo nên một bản thể với hình hài và tính cách nguyên thuỷ.

Khi một đứa bé chào đời, chúng lớn lên, tiếp tục lại bị ảnh hưởng bởi cha mẹ, sự giáo dục, môi trường sống, những người mà chúng tiếp xúc, điều đó ảnh hưởng đến tính cách và thế giới quan của chúng. Lúc bấy giờ, chúng vẫn chưa thể làm chủ những gì diễn ra xung quanh mình, cứ thế lại hấp thụ, chỉ cho đến khi nào cơ thể sinh học và sự nhận thức bắt đầu hoàn chỉnh, mọi rắc rối bắt đầu từ đâu. “Rắc rối” ở đây có nghĩa là sự phản ứng ngược lại với cơ thế trước đó, chúng chủ động và phản tư về những gì đang diễn ra xung quanh, có những bạn sẽ chấp nhận sống theo những quán tính vốn có, có những bạn ý thức được chuyện gì là phù hợp với mình, có lựa chọn cho phù hợp.

Càng nhiều trải nghiệm, bước qua nhiều thăng trầm của tuổi hai mươi, ba mươi, những lúc con người đi tìm “những bản lề” của chính mình, thì chính lúc ấy nhiều câu hỏi được đặt ra, mọi ngóc ngách về bản thân được đào bới chỉ để trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?”.

2. Hành trình dài, nhưng đầy thử thách và thú vị

“Hướng nghiệp” là một từ khóa được nhiều học sinh phổ thông nghe, vì sau phổ thông, chúng ta phải chọn cho mình một ngành học,  để có một kỹ năng sau 3-4 năm trau dồi, để bước ra khỏi giảng đường ấy, ta tìm kiếm cho mình một công việc để nuôi sống thân mình, để thỏa mãn đam mê, để phụng sự xã hội, có rất rất nhiều lý do. 

Nhưng bạn biết đấy, có lẽ 4 năm không phải là ngắn, nhưng chúng ta lại phó mặc cho sự lựa chọn đời người ở tuổi 18, trong bốn năm đó mọi thứ chúng ta làm là kỹ năng, học nghề, vì thế những năm trước 30, nhiều người trong số chúng ta lạc vào những câu hỏi vô tận, những con đường lối rẻ, “hoang mang tuổi 30”. Đó là sự thật đang diễn ra với những người trẻ 9X, trong đó từng có mình. Họ trôi bồng bềnh theo những dòng chảy mà cũng chẳng biết bến ở đâu, bờ ở mô.

Vì thế, những năm tháng từ 20-30 người ta thường hay khuyến khích người trẻ “cứ trải nghiệm nhiều đi” là vì vậy. 

“Trải nghiệm cũng là cách để đi tìm chính mình”

Hành trình tìm kiếm bản thân mình là một hành trình dài, những năm tháng tuổi đôi mươi cũng chỉ mới bắt đầu cho cuộc tìm kiếm ấy. Có những lúc bạn phải đối diện với con người thật của mình, bạn sẽ sợ hãi và lo lắng rất nhiều, nhưng đó cũng là lúc bạn đang chạm một tay vào thế giới bên trong của chính mình. Những ngày tháng “chẳng biết mình là ai” thật sự rất khủng khiếp, vì nó khiến ta trôi dạt vô định vào bất kì không gian ngoại cảnh nào, có những người sẽ nổi loạn, nhưng cũng có người rơi vào trầm cảm. Mình cũng chẳng biết điểm mạnh mình là gì, điểm yếu mình ra sao, làm gì có thể tốt nhất, và tạo ra kết quả, hôm nay thế này, ngày mai thế khác. Chạy rong theo những buổi chia sẻ truyền cảm hứng, khám phá bản thân, hào hứng một vài ngày để định vị bản thân, rồi loại rơi vào vòng lặp không hồi kết ấy. Tôi đã từng có cảm giác như vậy. Sau đó, thật sự rất “mệt” trên chính hành trình mình đang đi. Đó là những ngày tháng đôi mươi đi tìm chính mình, biết được những chuyện cần làm, nhưng khó tài nào vươn tới, cứ bắt đầu rồi bỏ cuộc, cứ hào hứng rồi dừng lại.

Tới thời điểm hôm nay, nhìn lại, có lẽ đó là chặng đường ai rồi cũng sẽ trải qua, nếu không có sự chuẩn bị trước đó. Bạn có thể giả vờ mình đã tốt hơn, đã trưởng thành hơn rất nhiều, nhưng bạn không thể nói dối chính mình được, bởi bên trong con người bạn là người hiểu bạn nhất, bạn đang ở đâu và làm gì. Mình nghĩ, “thành thật với chính mình” là một lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn này, hãy lắng nghe con tim nhiều hơn là lý trí, bởi đó chính là nhịp đập của riêng bạn, đó chính là thứ sẽ dẫn lối bạn đến những nơi đáng ra bạn phải đến. 

Có lẽ bản thân, đang sắp chạm mốc ở tuổi 30, khi nhìn lại hành trình mình đã qua, quả thật nhiều thú vị, bài học và cảm xúc. Nếu không có nhiều lựa chọn có phần điên rồ, thì có lẽ hành trình tìm kiếm chính mình sẽ rất mờ nhạt, hành trình ấy như thể đã được lập trình bởi một thế lực nào đó, ta cứ tuân theo mà đi, hoàn toàn không thể làm chủ, không thể sống theo giấc mơ của mình. Nhưng sự vượt khỏi những an toàn ấy, lại mở ra rất nhiều trải nghiệm, kèm theo những thách thức, thành có, bại có, nhưng tất cả lại cho ta những bài học thú vị. Tới thời điểm, tôi tốt nghiệp đại học, tôi vẫn nghĩ, mình sinh ra là để lớn lên và tích lũy tài sản để thoát nghèo, vì bấy lâu, tư duy “học để thoát nghèo” đã đeo bám tôi suốt những ngày tháng ấy, thậm chí những ngày tháng tuổi thơ. Tôi luôn tự hỏi: “Tại sao lại như vậy”, “Học để giàu ư?”. Quan điểm ấy đúng, nhưng không hoàn toàn, chính sự rút ngắn trong câu nói ấy, phải khiến cho chúng ta lận đận trong suốt cuộc đời của mình. Hành trình đã qua khiến tôi dần thoát khỏi tư duy ấy, dần bước vào những khoảng trời mới.

3. Đi tìm tự do và hạnh phúc

Tôi và vợ tôi hay tâm sự về chủ đề “tự do và hạnh phúc”. Có lẽ, đó cũng là thứ ai cũng khao khát có được. Có người giàu có về vật chất nhưng thiếu vắng đi tự do và hạnh phúc, có người thì ngược lại. Vậy thế nào là đúng?

Nguồn ảnh: Pexels

Chẳng có đúng hay sai. Khi tôi viết bài viết này cũng vậy, bởi tất cả những gì tôi chia sẻ ra cũng chỉ là quan điểm cá nhân, những trải nghiệm hết sức riêng tư có được, từ đó hình thành thế giới quan riêng của mình, mình chiêm nghiệm, mình đút kết bài học, mình chia sẻ.

Bạn có quyền với tất cả sự lựa chọn cuộc đời mình, nhưng hãy tự do và hạnh phúc trong sự lựa chọn hành trình ấy, nếu không đến cuối đời, chính bạn sẽ là người bạn không thích nhất. Có người bảo, trong giai đoạn lập nghiệp, bạn phải hy sinh tự do và hạnh phúc của mình, để đánh đổi cho những mục tiêu cuộc đời. Tôi cũng vậy, cuốn cuồn chạy theo những mục tiêu lý tưởng của mình, để rồi mình nhận ra: “Không đúng”. Chẳng lẽ phải như vậy sao, liệu không có cách nào khác sao. Đó cũng là lúc, tôi quay vào bên trong mình và tự hỏi “Mình thật sự muốn gì trong cuộc đời của mình?”, có phải tôi mong muốn có gia đình hạnh phúc, một công việc có thu nhập nuôi sống mình, gia đình và người thân, có những cống hiến cho xã hội. Đúng vậy, tôi tham lam và có nhiều mong muốn như vậy, nhưng những mong muốn đó sẽ ở mức giới hạn, vì mục tiêu cuối cùng của chính tôi là “tự do và hạnh phúc”. Đó là đích đến xa, theo tôi, hoàn toàn có thể trong khả năng của bất kì ai, nếu bạn không ngừng hành động, bước từng nấc thang nhỏ trong cái thang mục tiêu. 

Mục đích là vậy, nhưng làm thế nào để đạt được chúng, thì đó là cả một quãng đường xa, khó mà có thể cân đo đong đếm được. Vì mục tiêu tương lai là thứ mơ hồ, có thể bạn chẳng bao giờ có thể đạt được chúng, nhưng mục tiêu là thứ để chúng ta tiến về phía trước, sống một cuộc đời thật sự ý nghĩa. Nhiều khi, đến thời điểm ấy, bạn cũng chẳng có mục tiêu gì cả, kể cả tự do hay hạnh phúc, vì cuộc sống bạn đang sống, đó chính là thứ bạn cần sống với nó một cách trọn vẹn nhất, chứ không phải là mục tiêu tương lai xa vời vợi ngoài kia, mọi thứ cứ tiếp nối như cách nó cần diễn ra, vì bạn cũng chẳng thể biết được được ngày mai, huống chi là xa hơn. Nhưng đó là ở một mức độ rất cao, việc của chúng ta bây giờ là quay vào bên trong con người mình, hiểu được nó, yêu thương nó, và trân trọng nó.

4. Hiểu về chính mình từ những điều bé nhỏ

Có bao giờ, bạn thay đổi bản thân mình chỉ từ những bài học nhỏ nhoi trong cuộc sống?

Với tôi thì có. Nhưng thường những lúc tôi đối diện với chính mình, và tự hỏi “nếu cho phép quay lại, tôi có thể làm gì tốt hơn, từ đó tôi học được gì đó, hiểu được bản thân mình hơn”. 

“Nếu bạn không thể làm những điều vĩ đại, hãy làm những điều nhỏ bé một cách vĩ đại”. – Napoleon Hill

Điều nhỏ nhoi mà vĩ đại ấy đó chính là trò chuyện với chính mình, lắng nghe nhịp đập của con tim, hít một hơi thật sâu, đón những ánh nắng, cảm nhận những gì đang diễn ra xung quanh mình. Mọi thứ giá trị nằm ở những thứ rất đỗi bình thường, bởi đó mới chính là cuộc sống, là hiện tại, là những thứ thuộc về bạn.

Thật sự, bạn không thể hiểu bản thân mình một sớm một chiều, hay một cách “cấp tốc” được, nếu có chăng, cũng chỉ là những tấm màn che, tự nói dối bản thân mình, vì đó là một hành trình dài. Có hiểu được bản thân, mới có thể yêu nó, yêu người khác được, mới có tạo giá trị đủ lớn tham gia vào xã hội, tiền bạc cũng từ đó mà đến. Hành trình đi tìm chính mình là hành trình chậm rãi, hướng vào bên trong nhiều hơn, lắng nghe và quan sát bản ngã một cách sâu sắc để tự trả lời những câu hỏi lớn của cuộc đời mình. Thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu, phát hiện ra những điểm mạnh, học cách chấp nhận và yêu thương con người ấy, bước tiếp những chặng đường tiếp theo. 

Một chia sẻ rất hay để nhận thấy con người thật đang diễn ra bên trong mình, đó chính là những phản ứng tự nhiên mà bạn không hề hay biết, đó chính là nội tại của chính bạn, chúng thể hiện ra bên ngoài mà không hề được lọc lựa lại bởi lý trí. Những hành động nhỏ nhặt thường ngày trong cuộc sống, những câu nói, cách hành xử, thái độ bộc phát,…rất nhỏ thôi, nhưng lại có giá trị rất lớn trong hành trình tìm kiếm chính mình.

Đừng vội ghét bỏ chúng, chấp nhận, yêu thương và chung sống với chúng, tôn trọng như thể chúng vốn có. Cách tốt nhất là bạn cứ vươn lên, cải thiện từng suy nghĩ và hành động nhỏ nhất, làm cho chúng tốt hơn mỗi ngày.

Hành trình đi tìm chính mình vốn dĩ là một hành trình xuyên suốt trong cuộc đời mỗi người, mỗi giai đoạn của đời sống ta lại nhận ra sứ mệnh mới của mình, những việc cần phải làm, tất cả những thứ ấy trở thành “quyển sách” của riêng mình, chẳng ai giống ai, nó trở thành thứ đặc biệt nhất. 

Huỳnh Thanh Dư

#duhuynh #duhuynhblog #duhuynhwriter #huynhthanhdu #personaldevelopment


📖 Nếu quan tâm những bài viết của Dư về chủ đề Hành trình khởi nghiệp, Nông nghiệp, Công nghệ, Phát triển bản thân, Bài học cuộc sống thì có thể đọc trên blog cá nhân: www.duhuynh.com.

💡 Đăng kí nhận newsletters qua duhuynh.substack.com.

Chủ đề khác

Chuyện ở Samar

“Tình nguyện viên nông nghiệp” lưu lại trong tâm khảm suy nghĩ của tôi chỉ