duhuynh.com

Ngại Chia Sẻ

NGẠI CHIA SẺ

Bạn có bao giờ có ý nghĩ “ngại khi chia sẻ ý kiến, suy nghĩ, hay một thứ gì đó” với người khác không?

Nhìn sâu vào bên trong, mình cũng từng có ý nghĩ ngại chia sẻ, đôi lúc mình lo lắng về điều gì đó khi đăng một bài viết lên mạng xã hội, kiểu như không biết có chính xác không, mình sợ bị chỉ trích nếu như nó đi ngược đám đông, mình ngại vì nếu chia sẻ vậy liệu có ai đón nhận không?

Thật ra có nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý “ngại chia sẻ” của mình. Mình nhận ra rằng, chia sẻ cũng là cách để bản thân giao tiếp với chính mình và người khác bằng một hình thức nào đó.

Một trong những lý do chính khiến người ta ngại chia sẻ có thể là do sợ bị chỉ trích, thiếu tự tin. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mỗi người đều có quyền tự do diễn đạt ý kiến và suy nghĩ của mình. Một ý kiến khác biệt có thể mang lại những giá trị mới và khám phá cách nhìn vấn đề từ góc độ khác nhau.

1. Tâm lý “có gì thì mới dám chia sẻ”

Một hôm nọ, khi mình nghe podcast chia sẻ về hành trình phát triển bản thân thông qua xây dựng thương hiệu cá nhân của một người anh, anh ấy nói: “Có bao nhiêu anh cũng chia sẻ ra hết, bởi mình cũng đâu có gì để mất, nếu sai thì sửa, chưa chuẩn thì chỉnh, hành trình chia sẻ ấy như một hành trình phát triển bản thân vậy thôi. Quan trọng là anh thấy được là chính anh khi anh viết ra”.

Mình cứ nghĩ mình phải đạt được gì đó, thành tựu gì đó rồi mới đủ tự tin đi chia sẻ với cộng đồng xung quanh mình, điều đó đúng nhưng không hoàn toàn, bạn hoàn toàn có thể viết ra, chia sẻ lên những kênh cá nhân trước tiên cho chính mình, vì đó là những gì của cá nhân mình, nếu ai đó đọc được và thấy hữu ích thì nó sẽ lan toả ra cộng đồng, quan trọng là những điều mà chúng ta chia sẻ ra không phải dành cho tất cả, mà chỉ là những ai quan tâm đến chúng mà thôi. Và hãy tự nhớ rằng, mình chia sẻ ra trước hết là cho chính mình.

Có thể là viết, nói, chụp ảnh, quay phim, tất tần tật những điều đó là phương tiện để bạn được thể hiện ra cá thể riêng biệt của mình. Đôi khi trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, việc mình chia sẻ ra ấy có thể cứu vớt cuộc đời mình tưởng chừng là không thể. 

“Viết trước hết cho cho CHÍNH MÌNH”

Mình luôn tự nhủ rằng: “Việc viết, hay việc chia sẻ ra trước hết và quan trọng nhất, đầu tiên nhất là CHO CHÍNH MÌNH, chứ không phải ai khác”. Bạn nói dở, viết dở, thể hiện dở, thì đó là của bạn và là duy nhất, đừng để những niềm đau trở thành quả bom nổ chậm, cũng đừng để niềm vui là riêng của chính mình.

2. Nghi ngờ khả năng viết, nói, chia sẻ của bản thân

Tôi có thời gian viết 5 năm, nhưng 5 năm qua không phải là đều đặn, lúc viết lúc không, lúc cao hứng thì ra bài liên tục, lúc buồn bả, chán nản thì chẳng muốn làm gì huống chi là viết. Viết chưa bao giờ là năng lực mà mình nghĩ mình có thể làm giỏi. Nhưng càng viết mình thấy mình càng tốt hơn, từ đó giúp mình có thể chia sẻ những ý nghĩ ra một cách dễ dàng hơn, tinh tế hơn (theo cách mà bản thân mong muốn).

Tới thời điểm này, đôi khi mình tự nghĩ, viết là đam mê hàng đầu trong số những đam mê của cá nhân mình. Tuy vậy, nếu mọi thứ chỉ dần ở năng lực vốn có, chưa được rèn dũa, tự phát nhiều hơn là tự giác, kỷ luật, có kế hoạch phát triển, vì bạn muốn đi xa thì bắt buộc phải đưa công việc của mình vào khuôn khổ và chuyên nghiệp, từ đó rèn luyện những thứ chưa tốt, làm mạnh hơn những thứ tốt vốn có.

Để viết tốt, hay chia sẻ được tốt, mình nghĩ chúng ta cần đọc nhiều hơn, bởi những người viết họ rất đầu tư, trau chuốt cho những dòng viết của mình, mình học được rất nhiều thứ về thể hiện suy nghĩ bản thân từ việc đọc. Thêm nữa, để viết tốt, đôi khi cần học thêm vài kỹ năng viết. Có nhiều cách, cách nhanh nhất là học từ người giỏi hơn, còn không bạn hoàn toàn có thể học từ kinh nghiệm của chính mình, cách này hơn lâu một tí.

3. Sợ không có ai quan tâm khi chia sẻ ra

Như đã nói ở trên, trước tiên, chia sẻ vì chính bạn là đầu tiên hơn hết, chứ không phải ai khác. 

Viết nhật ký là cách như vậy. Viết cho mình, không muốn chia sẻ đi đâu cả, hoàn toàn có thể. Nhiều năm sau, bạn đọc lại sẽ thấy những dòng viết ấy thật quý giá, nhưng cũng thật buồn cười, tất cả là hành trình lớn lên của bản thân mình.

Nếu bạn viết trên blog, trên trang mạng xã hội cá nhân thì cũng giống như vậy, nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ tìm thấy những người bạn đồng điệu về những chủ đề mà bạn chia sẻ ra. 

“Chúng ta viết ra không phải cho tất cả, mà là cho chính mình, cho những ai cần đọc đó, tìm đến và bên nhau như một cộng đồng nhỏ thân thương”.

Bạn biết không, mình may mắn vì ngoài bản thân mình là khán giả của chính mình, tôi vẫn còn những người bạn luôn yêu thương mình, vì hầu như bài nào họ cũng đọc xem mình chia sẻ gì, cuộc sống mình ra sao, đặc biệt là người bạn đời của mình, vợ mình.

“Dù thế nào vẫn luôn có người bên cạnh bạn”

Bạn thấy đó, bạn may mắn hơn bạn nghĩ rất nhiều, ở đó vẫn còn rất nhiều người quan tâm thực sự đến cuộc sống và suy nghĩ của chính mình, họ luôn âm thầm dõi theo từng dòng viết, từng status, từng lời cảm thán mà bạn chia sẻ ra, mong muốn những điều tốt đẹp nhất dành cho bạn.

4. Lo lắng người chỉ trích, xấu hổ, gây tranh cãi

Khi viết, mình sợ nhất điều này, sau khi đăng lên, luôn có ý nghĩ trong đầu: “Suy nghĩ, quan điểm này đúng không ta?”, nếu ai đó vào bình luận chỉnh sửa, hay chỉ trích, mình chỉ muốn xoá chúng, và suy nghĩ về chúng cả ngày. Và rồi mình tự hỏi: “Tại sao mình lại phải như vậy? Có cách nào đó khác hơn không?”

Thực sự là, đó chỉ là những chất liệu cần có để bạn tốt hơn, và không ai hoàn hảo cả, kể cả những gì bạn chia sẻ ra, mỗi chúng ta cũng chỉ là những người đang trưởng thành, hoàn thiện mỗi ngày, những gì chưa đúng thì sửa, điều gì cần chỉnh lại thì cứ làm, đừng vì những điều ấy là làm hạ động lực của bản thân. 

Bạn biết không? Càng viết, càng tập trung, càng duy trì đều đặn, những gì bạn chia sẻ ra có sức mạnh lan toả rất lớn trong cộng đồng hơn những gì bạn nghĩ.

Bản thân mình là một người trẻ khởi nghiệp, do đó chủ đề về câu chuyện khởi nghiệp luôn được mình nhắc tới, mình chia sẻ với tâm thế là những gì mình đang trải qua hơn là nói bạn phải làm thế này, làm thế kia để thành công, để bớt thất bại, bởi mình chưa thành công gì cả, mà đợi đến khi thành công rồi mới viết ra, chia sẻ ra thì có thể sẽ không còn hay bằng như bây giờ. Bởi chính ở thời điểm diễn biến hiện tại, là những gì thật nhất, mình nhớ nhiều nhất, chứ không phải đã sàng lọc đi nhiều. Có thể những anh chị đi trước vào chia sẻ những gì mình còn thiếu, thế là mình lại học hỏi được điều hay, có thể nhờ vậy mà mình thu hút thêm những mối quan hệ an lành – tử tế. Xuyên suốt những chủ đề mà mình chia sẻ sẽ là về khởi nghiệp, nông nghệ, phát triển bản thân, bài học cuộc sống, sắp tới đây mình sẽ viết nhiều hơn chủ đề Agritech (vốn dĩ mình là một kỹ sư công nghệ mà), tại sao không chứ?

Chia sẻ là hình trình cho đi và nhận lại không hồi kết. Bản thân mình mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn với người khác, vì biết đâu được, những hạt cát này lại bay xa đi đâu đó.

Cuối cùng, mình chỉ muốn nói là ĐỪNG NGẠI.

Đừng ngại chia sẻ những điều tốt đẹp, vì chúng còn quá ít so với những điều không tốt đẹp ngoài kia, thế giới mà chúng ta đang sống rất nhỏ bé so với thế giới rộng lớn ngoài kia lắm. Những gì bạn ngại ngùng, xấu hổ thật chẳng ai quan tâm cả, ngoại trừ chính bạn, đó là tâm lý cá nhân hơn là quan tâm của người khác, việc cần làm là chiến thắng chính mình hơn là chinh phục người khác.

Mình chia sẻ ra trước hết là vì bản thân mình, cho mình trước tiên, và rồi, nếu ai đó đọc được, đồng cảm thì chúng lại được lan toả. 

Chia sẻ cũng chỉ là cách chúng ta giao tiếp với chính mình, với thế giới, thông qua một hình thức nào đó, là một quy luật tự nhiên mà bất kì ai cũng cần có. 

Huỳnh Thanh Dư

#duhuynh #duhuynhblog #duhuynhwriter #huynhthanhdu #personaldevelopment 

———

📖 Nếu quan tâm những bài viết của Dư về chủ đề Hành trình khởi nghiệp, Nông nghiệp, Công nghệ, Phát triển bản thân, Bài học cuộc sống thì có thể đọc trên blog cá nhân: www.duhuynh.com

💡 Đăng kí nhận newsletters qua duhuynh.substack.com

Chủ đề khác